Monday 25 January 2016

Chu Ngọc Linh (24 tuổi), sinh viên trường The College of William and Mary (bang Virginia, Mỹ) đang thực tập tại Maryland - một trong những bang bị bão tuyết tàn phá những ngày qua. Đây là lần đầu tiên trong 6 năm du học tại Mỹ, Linh chứng kiến trận bão tuyết lớn đến vậy. Có những nơi ở Maryland, chỉ một đêm sau bão, đường phố, xe cộ đã bị tuyết ngập sâu đến 70 cm.

"Sáng 22/1 trời vẫn quang mây, em nghe đài báo buổi chiều bão tuyết sẽ về nhưng không tin. Đến chiều tuyết bắt đầu rơi thật, nhiệt độ khoảng -8 độ C. Gió rít từng cơn mang theo vô vàn tuyết, ngồi trong nhà em chỉ sợ gió to tốc mái. Sáng hôm sau tỉnh dậy nhìn qua cửa sổ, em không tin nổi vào mắt mình, mọi vật đều biến mất cả, thay vào đấy là màu trắng xoá", nữ sinh chia sẻ.

du-hoc-sinh-viet-chong-choi-voi-bao-tuyet

Bão tuyết phủ trắng mọi vật ở bang Maryland (Mỹ), có nơi tuyết dày đến gần 70 cm. Ảnh chụp qua cửa sổ phòng du học sinh Chu Ngọc Linh. 

Để tránh phải ra ngoài trong những ngày bão tuyết, Linh cho biết, từ trưa 22/1 người dân địa phương đã đổ xô đến siêu thị tranh nhau mua thực phẩm dự trữ. Lúc em tới thì mọi thứ gần như hết sạch, sữa không còn bình nào. Cũng may Linh vét được ít rau, thịt đủ ăn trong một vài ngày.

Suốt 2 ngày bão tuyết, Mai Anh (24 tuổi) chỉ ở nhà, chui vào chăn, bật lò sưởi và húp mì tôm. Lượng tuyết ở thành phố New York nơi Mai Anh du học ngập sâu đến gần đầu gối, nhiệt độ xuống -4 độ C. Tuyết rơi mạnh vào thứ bảy (ngày 23/1) khiến xe cộ không đi lại được, tàu điện ngầm cũng bị ngừng.

Lê Bá Hoàng Long (19 tuổi, Stony Brooks University, Long Island, New York) trước khi bão tuyết ập đến đã phải mua thêm nhiều quần áo ấm do chưa có kinh nghiệm đối phó với mùa đông đầu tiên ở đây. Đi dưới nền tuyết dày, mưa tuyết vẫn còn rơi, Long cảm giác tay chân, mũi, miệng... đều tê cứng. Dù vậy, được trải nghiệm cảm giác tuyết rơi, nô đùa cùng bạn bè dưới nền tuyết trắng, chàng sinh viên người Việt thấy rất hào hứng. 

du-hoc-sinh-viet-chong-choi-voi-bao-tuyet-1

Lê Bá Hoàng Long (19 tuổi) đi mua thêm quần áo ấm để đối phó với mùa đông đầu tiên ở nước Mỹ lại có bão tuyết. Ảnh: Mai Anh.

Tại bang Pennsylvania, Nguyễn Phương Anh (20 tuổi) cùng các sinh viên khác của Đại học Dickinson được nhà trường cho nghỉ đến hết thứ hai vì tuyết phủ quá dầy. Một số nơi tuyết sâu đến 3 feet (hơn 91 cm) khiến đi lại khó khăn. Nhiệt độ ngoài trời có lúc xuống -13 độ C nên nữ sinh người Việt chọn cách ở lì trong phòng giữ ấm cơ thể. 

Từ vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa sang miền ôn đới nước Mỹ, Phương Anh cũng như nhiều du học sinh khác chưa có kinh nghiệm ứng phó với thời tiết lạnh giá, băng tuyết, từ việc mua quần áo, giầy dép, giữ ấm... Chuyện bị cảm cúm, nẻ da là rất phổ biến trong cộng đồng sinh viên Việt Nam. Mùa đông đầu tiên ở Mỹ, Phương Anh từng bị nẻ quanh miệng, đau đến mức không ăn được vì chủ quan trước thời tiết quá lạnh. Gói bảo hiểm của trường không bao gồm bệnh ngoài da nên muốn chữa, em phải gặp chuyên gia và rất tốn tiền. Sau 2 tháng tự tìm hiểu và bôi kem, uống kháng sinh, bệnh của Phương Anh mới thuyên giảm. 

Du học tại Winnipeg - một trong những thành phố có thời tiết lạnh nhất Canada, Lê Huyền Như Linh (24 tuổi, Đại học Manitoba) cho biết, từ tháng 11/2015 đến nay khu vực em sống đã có 3-4 trận bão tuyết. Hiện tại ở Winnipeg là đỉnh điểm của mùa đông, nhiệt độ thấp nhất là -35 độ C, nếu có gió sẽ xuống -45 độ C. Tuyết rơi nhiều, dày khoảng 40 cm. Tuy nhiên, do bão tuyết đã trở nên quá quen thuộc với người dân nơi đây nên mọi hoạt động vẫn diễn ra bình thường, Như Linh và các học sinh vẫn phải đến lớp. 

du-hoc-sinh-viet-chong-choi-voi-bao-tuyet-2

Lê Huyền Như Linh thích thú đùa nghịch với tuyết ở Canada. Ảnh: NVCC.

"Sinh viên hàng ngày phải đi xe buýt tới trường. Dù đã trang bị kỹ càng, đội mũ, che đầu, tai, mang bao tay, mặc 3-4 lớp áo, 2 lớp quần, chân mang bốt, tất dày... để giữ ấm, nhưng những lúc chờ xe em vẫn bị buốt hết mặt mũi, tay chân. Sợ nhất những hôm trời lạnh lại còn có gió. Nếu xe buýt đến trễ hoặc mình bị nhỡ chuyến phải chờ lâu thì cảm giác ở ngoài trời thật kinh khủng", Như Linh kể.

Em cho biết, thời tiết giá băng ở Winnipeg hiện tại đủ làm bỏng lạnh tay người nếu để không ngoài trời. Những bệnh như cảm cúm, viêm họng, viêm mũi, khô da... thường xuyên xảy đến với du học sinh Việt Nam. Bản thân Linh vốn mắc xoang từ bé, sang vùng đất lạnh Canada, em càng thêm vất vả với căn bệnh này.

Bù lại những khó khăn phải đối mặt do thời tiết khắc nghiệt, nữ sinh Việt Nam trong 6 năm ở đây đã có nhiều trải nghiệm thú vị. Em được thỏa sức ngắm nghía cảnh sắc lãng mạn vùng tuyết trắng - điều chưa từng được thấy ở Việt Nam; tham gia nhiều trò chơi như trượt tuyết, câu cá giữa sông, khúc côn cầu... 

"Nếu tắm xong mà để tóc ướt ra ngoài, chỉ vài phút sau tóc sẽ trắng xoá, chẳng cần trang điểm nữa cũng đủ đi dọa ma người khác rồi. Có lần em mua sữa xong đi bộ về nhà, sữa đã đóng thành đá. Mỗi khi có tiệc, cánh du học sinh chúng em chỉ việc để bia, nước ngọt ở ngoài sân - tủ lạnh tự nhiên, sau vài phút là có đồ uống mát lạnh", nữ sinh chia sẻ. 

Các du học sinh Việt Nam đều cho biết, sống ở vùng mùa đông băng tuyết, điều quan trọng nhất là luôn phải biết giữ gìn sức khỏe. Khi ở Việt Nam có bố mẹ chăm sóc nhưng đi du học chỉ có thể tự thân vận động. Với khối lượng bài vở rất lớn, hoạt động ngoại khóa nhiều, nếu không duy trì sức khỏe ổn định sẽ không theo kịp chương trình.  

Theo các hãng tin APReuters, ít nhất 29 người đã chết vì bão tuyết ở bờ đông nước Mỹ. Trong đó, 13 người thiệt mạng trong tai nạn xe hơi liên quan đến thời tiết ở Arkansas, North Carolina, Kentucky, Ohio, Tennessee và Virginia. Một người tại Maryland và ba người ở New York chết khi xúc tuyết, hai người chết cóng tại Virginia.

Lượng tuyết tại New York ngày 23/1 dày 26,8 inch (68 cm), mấp mé mức kỷ lục 26,9 inch năm 2006.

Quỳnh Trang

0 comments:

Post a Comment