Sunday 31 January 2016

Nằm trên vùng biển Tây Nam của tổ quốc, cách cửa biển Sông Đốc 17 hải lý về phía Tây, đảo Hòn Chuối thuộc thị trấn Sông Đốc (Trần Văn Thời, Cà Mau) rộng khoảng 7 km2, với 37 hộ dân gồm 135 nhân khẩu. Người dân trên đảo chủ yếu là dân tộc Khmer không biết chữ, quanh năm sống bám biển với nghề giăng câu, chài lưới. Xót xa trước thế hệ tương lai có nguy cơ mù chữ giống bố mẹ, thượng úy Trần Bình Phục, Đồn Biên phòng 704, đảo Hòn Chuối, đã tình nguyện đứng lớp dạy chữ.

Trong bộ quân phục xanh, gương mặt lấm tấm mồ hôi, thầy Phục tâm sự: “Đến giờ tôi đã đứng lớp được 6 năm rồi. Việc đứng lớp là chuyện tôi chưa bao giờ nghĩ đến vì không học sư phạm. Nhưng ra đảo, thấy các em không biết chữ, cha mẹ đi vắng suốt nên tôi trăn trở lắm”. Thượng úy Phục liền đề nghị với chính trị viên đồn cho phép được dạy thử các em nhỏ trong một tháng, rồi gắn bó từ đó đến giờ.

Thầy Phục cho biết, lớp học tình thương trên đảo Hòn Chuối có 19 học sinh với 6 lớp ghép. Lớp 1 có 4 em nhỏ, trong đó có 2 em khuyết tật; lớp 2 có 4 em; lớp 3 có 7 em; 2 em học lớp 4; và lớp 5, lớp 6 mỗi lớp có một em. Học kỳ vừa rồi thầy Phục và cư dân đảo vui mừng khi các cháu đều nhận được giấy khen.

“Điều này chứng tỏ cách dạy của tôi đã tiếp cận được các em, giúp các em theo kịp học sinh ở đất liền”, thầy Phục nói. Hiện nay, lớp học tình thương theo mô hình lớp ghép. Các học sinh được chia thành nhiều nhóm nên mô hình giảng dạy cũng không giống nơi nào. Thầy Phục chỉ cố gắng dành thời gian truyền tải kiến thức cho các em theo cách dễ hiểu nhất.

Khi được hỏi về học trò, thầy Phúc kể, tất cả các em đều rất dễ thương. Đậu Yến Nhi, 8 tuổi, học lớp 1, bị bệnh down do ảnh hưởng chất độc da cam, nhà ngay cạnh lớp học. Lúc mẹ dắt đến lớp còn chưa biết tự chủ khi vệ sinh, hỏi gì cũng không nói, nay đã biết đọc, biết viết, biết thưa gửi rất ngoan.

Kim Ngọc Thọ, 13 tuổi, học lớp 1, bệnh thiểu năng não bẩm sinh, to lớn nhất lớp mà hiền khô. Lúc mới đến lớp Thọ không biết một thứ gì, nay đã biết đọc, biết viết. Trần Thị Thảo, 16 tuổi, học sinh lớp 5, học giỏi, ngoan hiền nhưng nhà nghèo, sắp tới không biết làm cách nào có tiền vào đất liền học tiếp…

nguoi-thay-ao-xanh-tren-dao-tien-tieu-phia-tay-nam-to-quoc

Học sinh tại lớp học tình thương trên đảo Hòn Chuối. Ảnh: TTXVN.

Thầy Phục nắm rõ hoàn cảnh gia đình và tính cách từng em nhỏ như thể chúng là những đứa con ruột của mình. “Ở lớp có cô bé học lớp 2, tôi vô tình thấy nó ngồi nhìn mấy đứa bạn ăn mì tôm rồi nuốt nước miếng. Biết nó đói mà không có tiền ăn nên đã dặn chị chủ quán, có đứa nào lên đây ăn mà không có tiền thì chị cứ ghi nợ cho tôi, rồi tôi sẽ trả khi có lương, giờ đã thành lệ rồi”, thầy Phúc kể.

Bà con ở đảo Hòn Chuối coi thầy Phục như ruột thịt trong nhà. "Đó là tình cảm tự nhiên của người dân ở đây dành cho những chú bộ đội”, thầy Phúc lý giải.

Đứng trong căn phòng chật hẹp lợp mái tôn, không có ánh đèn điện, thầy Phục chỉ từng cái cột, trụ do chính tay thầy thay mỗi khi mùa mưa đến, rồi nhớ lại: “Trước đây, lớp học chỉ lợp mái lá, mỗi mùa mưa đến thầy trò tôi vừa phải tránh dột vừa phải tìm cách chống sập nhà”.

Vì lớp học gần rừng nên lượng mối mọt rất nhiều, năm nào thầy Phục cũng phải kiểm tra, thay thế cột kèo, chằng lại mái để chống sập. Thương các con, thầy Phục vác từng miếng lợp, từng cái cột chống, leo hơn 300 bậc thang lên dựng lớp.

Chỉ vào tủ đựng sách báo bằng nhôm kính dựng ở góc lớp, thầy Phục nói: “Ở đất liền, cái tủ này là vật bình thường nhưng ở đây nó quý giá lắm. Sách truyện cho các con ra được đến đảo khó khăn vô cùng, nhưng may mắn là thầy trò tôi cũng được nhiều nơi hỗ trợ, giúp đỡ sách bút, quần áo”.

Khi được hỏi, thầy có tủi thân khi đứng lớp hàng ngày nhưng lại không có ngày tri ân nhà giáo Việt Nam 20/11, thầy Phục nở nụ cười hiền từ rồi tâm sự: “Tôi đứng lớp dạy thế này nhưng chưa bao giờ nghĩ mình là người thầy. Việc làm của tôi không mong cầu đền đáp mà chỉ có một ước mong duy nhất là mở cánh cửa tương lai cho các cháu, đi được đến điểm sáng nhất. Tôi dạy học bằng nhiệt huyết, bằng tấm lòng của một người lính, người con đảo”.

Theo Vietnam+

0 comments:

Post a Comment