Sunday 17 January 2016

Video 4.000 năm - tự hào Tổ quốc tôi do nhóm học sinh gồm Lê Nguyễn Kim Tuyền, Phạm Lý Minh Thư, Bùi Diệp Yến Linh, Bùi Thị Anh Thư, học sinh lớp 12, trường THPT Đức Trọng và em Võ Viết Tiến, học sinh trường chuyên THPT Thăng Long (Lâm Đồng) thực hiện.

4.000 năm biến động của sử Việt, từ sự ra đời của nhà nước Văn Lang - Âu Lạc, đến các cuộc khởi nghĩa chống giặc phương Bắc, thay ngôi đổi chủ qua các triều đại phong kiến, đến hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội như ngày nay... được gói gọn trong video dài hơn 8 phút. Đây là tác phẩm tham dự cuộc thi tìm hiểu lịch sử do trường THPT Đức Trọng phát động, được gửi tham dự cuộc thi Tự hào Việt Nam do Trung ương Đoàn cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức.

mong-the-he-tre-xot-ruot-cho-dat-nuoc-qua-video-toan-canh-lich-su

Bận rộn bài vở cho năm cuối cấp, nhóm học sinh phải tranh thủ làm video ngoài giờ học. Ảnh: NVCC.

Lê Nguyễn Kim Tuyền, thành viên nhóm học sinh cho hay, thầy giáo cũng gợi ý cho các em một số đề tài. Nhưng thấy nhiều bạn bè thờ ơ, xa rời Lịch sử, chỉ học để kiểm tra cho qua môn rồi quên nên cả nhóm quyết định làm video ngắn để ôn lại tiến trình lịch sử Việt Nam.

Lớp 12 còn bận học chính khóa, ôn thi nên các em chỉ tìm tài liệu và hoàn thành video trong 4 ngày. Sau khi lên ý tưởng, 5 học sinh phân công nhau mỗi người tìm hiểu về một giai đoạn lịch sử. Phần nội dung được các em chọn lọc trong sách giáo khoa, sách tham khảo lịch sử, các nguồn chính thống trên mạng, hình ảnh cũng được sưu tầm theo cách tương tự. Phần dựng do em Bùi Thị Anh Thư đảm nhận với sự giúp sức của em Võ Việt Tiến.

Dựng hình xong, cả nhóm tham khảo ý kiến một số giáo viên để video hoàn thiện. Vì tác phẩm do tổ dạy Sử trong trường chấm nên các em không được tham khảo ý kiến để đảm bảo công bằng với những bài dự thi khác.

Thầy Nguyễn Ngọc Bảo, giáo viên dạy Toán nhưng có kiến thức khá sâu rộng về lịch sử đã góp ý để tăng độ chính xác của sự kiện. Như năm 1911, ban đầu cả nhóm đưa thông tin "Hồ Chí Minh ra đi tìm đường cứu nước" được thầy góp ý là khi đó, Hồ Chủ tịch chưa có tên này nên các em đổi lại là Nguyễn Tất Thành. Thầy Võ Thành Nam, giáo viên dạy Địa góp ý cuối tác phẩm nên có thêm suy nghĩ của các em để tạo sự khác biệt.

"Mong muốn của chúng em là người trẻ có thể nhìn vào những thăng trầm cùng những sự kiện hào hùng của dân tộc để thấy rõ hơn trách nhiệm của mình. Vì vậy, cuối video có thêm lời nhắn nhủ Đất nước hôm nay còn nhiều trăn trở nhưng cũng đầy hy vọng. Thế hệ trẻ phải biết xót ruột cho đất nước. Điều cần làm là đặt niềm tin và chắp cánh cho ước mơ của mình ngay hôm nay", Kim Tuyền chia sẻ.

Các em đều cho rằng, ý tưởng thực hiện video không mới, thậm chí có những tác phẩm trước đó xuất sắc hơn nhiều. Nhưng thành quả lớn nhất mà cả nhóm thu được là những kiến thức đọng lại và hiểu hơn, yêu hơn lịch sử nước mình. Kim Tuyền cho hay, 3 năm phổ thông các em được học Sử với những thầy cô giáo rất thú vị. Thầy cô không bắt học sinh phải học hết sự kiện trong sách giáo khoa mà hay kể cho các em nghe chuyện liên quan đến sự kiện lịch sử đó khiến học sinh nhớ lâu. Đó là lý do mà các em không quay lưng lại với Lịch sử.

Độc giả VnExpress đã khen ngợi video làm khá công phu, đầy đủ sự kiện và có nhiều góp ý. Như "video lướt quá nhanh làm người xem có cảm giác rất vội, có thể làm dài hơn từ 15-20 phút, tiếng nhạc nên nhỏ hơn". Tuyền cho hay, cuộc thi quy định thời lượng video dài không quá 10 phút nên trong quá trình làm, các em đọc hơi nhanh để xâu chuỗi sự kiện với nhau thành một hệ thống.

"Những góp ý trên là bài học quý để tụi em làm những video sau này tốt hơn. Nhóm cũng nghĩ đến việc làm phụ đề tiếng Anh với mong muốn video đến được với nhiều bạn trẻ yêu mến và hiểu hơn lịch sử Việt Nam", Tuyền nói.

Năm 2013, video Lịch sử xây dựng và bảo vệ lãnh thổ Việt Nam dài 10 phút bằng đồ họa của sinh viên Đại học Công nghệ Sài Gòn đã tạo nên "cơn sốt" được chia sẻ khắp các diễn đàn. Nội dung chính của video giải thích "Vì sao Việt Nam lại có hình dạng chữ S như bây giờ? Để giữ được chữ S đó Việt Nam đã trải qua những gì".

Video được nhà sử học Dương Trung Quốc đánh giá là "đánh thức Bộ Giáo dục và Đào tạo quan tâm hơn đến việc giảng dạy trực quan trong các môn học".

Hoàng Phương

0 comments:

Post a Comment