Friday 29 January 2016

Kiều hối chuyển về Việt Nam thường tăng mạnh dịp cuối năm âm lịch khiến nhiều công ty chuyên cung ứng dịch vụ này rốt ráo tung các chương trình khuyến mãi hút khách.

Hàng loạt "đại gia" về kiều hối như Đông Á, Vietcombank, Sacombank, Vietinbank... đang tích cực triển khai các chương trình khuyến mại, tặng quà cho khách nhận tiền gửi từ nước ngoài.

Theo đó, Công ty Kiều hối Đông Á của DongA Bank từ ngày 1/1 đến 7/2/2016 có chương trình quay thưởng lên đến 300 triệu đồng. Tương tự, tại Vietinbank, mỗi giao dịch kiều hối ở quầy, khách được nhận một hoặc nhiều mã dự thưởng để tham gia quay số cuối chương trình và có cơ hội nhận xe máy, tivi..., hay như Seabank, khách nhận kiều hối được tặng ngay các bình nước cao cấp...

cuoi-nam-kieu-hoi-don-dap-do-ve

Ngân hàng tìm cách hút kiều hối dịp cuối năm. Ảnh: Anh Quân.

Đại diện Công ty kiều hối Đông Á cho biết, lượng kiều hối chuyển về vào dịp Tết thường tăng cao so với các tháng trong năm. Hơn nữa, năm nay Tết Nguyên đán lại rơi vào cuối tháng dương lịch, nên khả năng kiều bào nhận lương và sẽ tập trung gửi tiền về dịp năm mới cho người thân ăn Tết, lì xì và mừng tuổi.

"Vì vậy, lượng kiều hối chuyển về hứa hẹn sẽ rất khả quan. Công ty tôi phải tăng cường lực lượng nhằm chi trả kịp thời cho người nhận", ông chia sẻ.

Bên cạnh việc khuyến mại, tặng quà để thu hút nguồn kiều hối, nhiều công ty và ngân hàng cho biết đang tích cực mở rộng thị trường nhằm tìm kiếm thêm nguồn kiều hối.

Ông Lê Thành Trung, Phó tổng giám đốc HDBank cho biết, kiều hối chi trả qua ngân hàng tăng trưởng khá tốt trong năm 2015 và chủ yếu về từ thị trường Mỹ và Đài Loan (Trung Quốc). Theo ông Trung, lợi nhuận thu được từ kiều hối hiện nay không cao, nhưng các ngân hàng xác định, kiều hối chuyển về là phục vụ chính sách thu hút nguồn ngoại tệ cho Việt Nam. Do đó, ngân hàng rất chú trọng và tích cực mở rộng thị trường.

Tại Công ty Kiều hối Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín, doanh thu chi trả kiều hối năm nay khả năng sẽ vượt chỉ tiêu đưa ra. Năm 2015, Công ty này đưa ra kế hoạch doanh số chi trả kiều hối ở mức hơn 2 tỷ USD.

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP HCM thông tin, đến cuối tháng 12/2015, kiều hối chuyển về địa bàn ước đạt hơn 5,5 tỷ USD, cao hơn mục tiêu ban đầu là 5 tỷ USD. Trong đó, quý IV luôn là thời điểm nguồn kiều hối chảy mạnh về Việt Nam, do các kiều bào cũng như lao động ở nước ngoài có nhu cầu chuyển tiền về cho thân nhân trong nước chi tiêu dịp lễ, Tết.

Theo ông Minh, kiều hối năm 2015 tăng mạnh cũng là điều đã được dự báo, khi các kênh đầu tư trong nước hồi phục, nhất là kênh đầu tư bất động sản với tác động tích cực từ chính sách cho phép người nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam kể từ ngày 1/7/2015.

Thống kê của Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP HCM cho biết, năm qua, tỷ lệ kiều hối chảy vào sản xuất, kinh doanh chiếm 70,6%; vào bất động sản chiếm khoảng 20,7%, chỉ khoảng 7% là hỗ trợ thân nhân, gia đình trang trải sinh hoạt, mua sắm, chữa bệnh, xây dựng nhà cửa..

Trước đó, một báo cáo do Ngân hàng Thế giới (WB) công bố gần đây cho thấy, Việt Nam đón lượng kiều hối đạt khoảng 12,25 tỷ USD trong năm 2015, đứng thứ 11 thế giới và đứng thứ 3 ở khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, sau Trung Quốc và Philippines.

Hoài Thu

0 comments:

Post a Comment