Wednesday 20 January 2016

Công ty Capella Holdings vừa tuyên bố giảm giá bán căn hộ hạng sang The One Saigon (quận 1, TP HCM) từ 5.500-6.000 USD xuống còn 3.500 USD một m2, tương đương 45%, để thu hồi vốn sau hơn nửa thập niên ế ẩm.

Dự án tọa lạc tại số 45-47 Đặng Thị Nhu, quận 1, cách chợ Bến Thành chỉ vài phút đi bộ là chung cư hạng sang hiếm hoi nằm trong khu vực đất vàng, được quy hoạch là vùng lõi trung tâm hiện hữu của thành phố.

Từ năm 2010 đến nay, tức hơn 5 năm tung hàng ra thị trường không mấy thành công, doanh nghiệp đã tái cấu trúc và đổi tên từ Bến Thành Land sang Capella Holding. The One Saigon trải qua nhiều đợt mở bán nhưng chỉ tiêu thụ được 40 căn vì diện tích quá lớn, giá bán cao. Hiện dự án vẫn còn 39 căn diện tích từ 50 đến 135m2, loại 1-3 phòng ngủ, tổng giá trị nhà sau khi đã giảm giá ước tính 4,5-10 tỷ đồng một căn.

Để kích cầu cho đợt bán vét lần này, chủ đầu tư chủ động chia nhỏ tiến độ đóng tiền, cam kết cho thuê trong năm đầu với giá 1.200-1.800 USD một tháng mỗi căn, miễn phí quản lý 2 năm và áp dụng cả hình thức chiết khấu cao nếu khách hàng thanh toán một lần. 

can-ho-hang-sang-o-sai-gon-giam-gia-mot-nua

Giai đoạn bất động sản khủng hoảng vừa qua đã để lại hậu quả nặng nề đến mức một dự án căn hộ hạng sang trên đất vàng TP HCM phải tính chuyện giảm giá gần một nửa để thu hồi vốn. Ảnh: C.H

Trao đổi với VnExpress, Giám đốc kinh doanh Capella Holdings, Nguyễn Đình Toàn giãi bày: “Một nửa dòng tiền thực hiện dự án này là vốn vay, 5-6 năm qua thị trường khủng hoảng có giai đoạn công ty phải chịu mức lãi suất trên 20%, ăn hết vào lợi nhuận. Lần giảm giá này chúng tôi hy vọng sẽ đẩy nhanh số hàng tồn để thu hồi vốn”.

Chủ đầu tư cho hay, trong quá trình tái cấu trúc, công ty quyết định chuyển sang đầu tư vào lĩnh vực F&B gồm: ẩm thực, nhà hàng tiệc cưới, bar... thay vì tiếp tục theo đuổi lĩnh vực bất động sản. Một trong những chướng ngại của doanh nghiệp trong thời gian qua là căn hộ diện tích quá lớn, giá đắt đỏ, dẫn đến khó bán. Ngoài ra thị trường địa ốc khủng hoảng kéo dài, sau đó biến động quá nhanh, thanh khoản trì trệ, lãi suất cao cũng khiến doanh nghiệp phải tính đến chuyện bán tháo để thu tiền về.

"Trong giai đoạn khó khăn vừa qua, nhiều công ty địa ốc tuy vẫn còn cái tên nhưng ruột bên trong đã thay đổi hoàn toàn. Đây là thực tế đầy khắc nghiệt của thị trường bất động sản", ông Toàn nói.

Vũ Lê

0 comments:

Post a Comment